Vào lúc 6h22 phút ngày 2/12/2022, Công ty Thủy điện Ialy đạt mốc sản xuất 100 tỷ kWh điện. Trong đó, Nhà máy Thủy điện Ialy sản xuất 75,5 tỷ kWh điện, Nhà máy Thủy điện Sê San 3 sản xuất 19,2 tỷ kWh điện và Nhà máy Thủy điện Pleikrông sản xuất 5,3 tỷ kWh điện. Đây là thành tích đáng tự hào để Công ty chào mừng 68 năm Ngày truyền thống ngành Điện (21/12/1954 – 21/12/2022).
Giám đốc Công ty Đoàn Tiến Cường tặng hoa chúc mừng lực lượng vận hành tại Trung tâm Điều khiển Nhà máy Thủy điện Ialy. |
Phát huy vai trò thủy điện chiến lược đa mục tiêu:
Công ty Thủy điện Ialy quản lý, vận hành 3 nhà máy có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia. Cùng với đó, 3 nhà máy là công trình trọng điểm là khởi đầu cho sự nghiệp điện khí hoá trên vùng đất Tây Nguyên nói chung và 2 tỉnh Gia Lai, Kon Tum nói riêng.
Với 100 tỷ kWh điện, Công ty Thủy điện Ialy đã góp phần quan trọng cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cung cấp đủ điện phục vụ phát triển kinh tế đất nước, giữ vững an ninh năng lượng, ổn định hệ thống điện lưới quốc gia, đưa điện về vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Ông Đoàn Tiến Cường – Giám đốc Công ty Thủy điện Ialy cho biết: Để đạt được 100 tỷ kWh là điều không đơn giản mà là cả một hành trình hơn 22 năm của những thế hệ CBCNV Công ty. Hành trình đó được bắt đầu gần 30 năm về trước, vào ngày 4/11/1993, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt phát lệnh khởi công xây dựng Nhà máy Thủy điện (NMTĐ) Ialy. Sau hơn 7 năm xây dựng với nhiều gian khổ trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, cơ sở vật chất, phương tiện, máy móc, thiết bị còn lạc hậu, thiếu thốn, đến ngày 12/5/2000, tổ máy số 1 phát điện và ngày 12/12/2001 thì tổ máy cuối cùng (tổ máy 4) của Thủy điện Ialy hòa lưới.
Sau Thủy điện Ialy là đến Thủy điện Sê San 3 với 2 tổ máy, lần lượt phát điện vào tháng 4 và tháng 7/2006. Sau đó, Thủy điện Pleikrông phát điện tổ máy số 1 tháng 5/2009, rồi đến tháng 9/2009 tổ máy 2 hòa lưới. Như vậy, đến năm 2009, Công ty Thủy điện Ialy chính thức quản lý vận hành đồng thời cả 3 nhà máy với tổng công suất 1.080 MW, sản lượng điện bình quân theo thiết kế 5,31 tỷ kWh/năm.
Trong những năm qua, ngoài nhiệm vụ phát điện, các nhà máy do Công ty quản lý luôn đảm bảo phòng lũ hiệu quả, góp phần đảm bảo an toàn cho công trình, an toàn hạ du, đặc biệt là tính mạng và tài sản nhân dân. Để làm được điều này, bên cạnh xây dựng các kịch bản ứng phó thiên tai, Công ty đã tuân thủ nghiêm túc quy trình điều tiết liên hồ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá chất lượng từng hạng mục công trình; Huy động 100% lực lượng ứng trực trong mùa mưa lũ, liên lạc và báo cáo thường xuyên với Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai và cơ quan thẩm quyền tại địa phương. Nhờ vậy, 22 năm qua, công tác vận hành hồ chứa, điều tiết thủy văn được Công ty đảm bảo tuyệt đối an toàn.
Công ty luôn thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời các nghĩa vụ cho nhà nước thông qua các khoản nộp vào ngân sách địa phương với gần 10.000 tỷ đồng thuế, phí các loại, chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng thu ngân sách tỉnh Gia Lai và Kon Tum.
An sinh xã hội, chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng cũng là điểm nổi bật trong hoạt động của Công ty. Từ nguồn huy động CBCNV đóng góp bằng tiền lương tháng để thành lập các quỹ “đền ơn đáp nghĩa”, “vì phụ nữ nghèo”, “trái tim cho em”, Công ty đã ủng hộ hơn 10 tỷ đồng cho các tổ chức xã hội, giúp đỡ người nghèo, vùng bị thiên tai; Xây mới, sửa chữa 33 căn nhà tình nghĩa tặng các gia đình nghèo, gia đình chính sách ở địa phương 2 tỉnh Gia Lai, Kon Tum cùng nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa khác…
Đẩy mạnh chuyển đối số để đáp ứng yêu cầu tình hình mới:
Hệ thống thiết bị, công nghệ tại 3 nhà máy Ialy, Sê san 3 và Pleikrông khá phức tạp. Do đa dạng về chủng loại, xuất xứ, thời điểm sản xuất nên tính đồng bộ không cao điều này thể hiện rõ nhất trong những năm đầu đưa vào vận hành. Cùng với đó, các thiết bị sau gần 30 năm vận hành đã bộc lộ già cỗi.
Cuộc CMCN 4.0 và lộ trình chuyển đổi quốc gia đã làm thay đổi tổng thể, toàn diện cách thức làm việc đến từng cá nhân, tổ chức, nhất là công tác điều hành sản xuất điện trên nền tảng công nghệ số.
Công ty Thủy điện Ialy quản lý vận hành 3 nhà máy nên đòi hỏi phải chủ động thích ứng và đưa chuyển đổi số thành một nhiệm vụ quan trọng để không bị tụt hậu và đi lùi.
Từ chủ đề năm 2021 của EVN là “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam”, Công ty đã triển khai đồng bộ các giải pháp chuyển đổi số trên tất cả các mặt hoạt động. Mục tiêu hướng đến là đã thay đổi tư duy, nhận thức của người lao động về chuyển đối số, thay đổi phương thức làm việc trên môi trường truyền thống trước đây bằng môi trường số, dựa vào nền tảng công nghệ thông tin, internet…
Đến nay 100% số tổ máy của Công ty đã được áp dụng công nghệ thông tin trong sửa chữa theo phương pháp RCM (bảo trì dựa trên độ tin cậy). Từ năm 2022, toàn bộ các danh mục sửa chữa lớn ngoài tổ máy đều được áp dụng công nghệ thông tin trong sửa chữa theo RCM; Xây dựng ứng dụng trên mobile: Khảo sát, báo cáo hiện trường phục vụ bảo trì công trình dựa trên thông tin địa lý và hình ảnh hiện trường.
Công ty số hóa quy trình xử lý khiếm khuyết thiết bị trên phần mềm PMIS; Số hóa quy trình giám sát, nghiệm thu sửa chữa lớn tự thực hiện trên phần mềm PMIS; Thu thập số liệu thủy văn tự động nhập vào phần mềm PMIS thay cho nhập bằng tay; 80% quy trình nghiệp vụ được số hóa và liên thông, lĩnh vực văn phòng có đến 90% quy trình nghiệp vụ không sử dụng giấy… qua đó góp phần nâng cao hiệu quả vận hành, quản trị doanh nghiệp, nâng cao năng suất lao động.
Theo ông Đoàn Tiến Cường – Giám đốc Công ty Thủy điện Ialy: Để đạt kết quả như hôm nay, CBCNV Công ty luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ kịp thời của lãnh đạo EVN, chính quyền, ban ngành đoàn thể địa phương 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Đáp lại những nghĩa tình đó, CBCNV Công ty Thủy điện Ialy hôm nay sẽ luôn đoàn kết, nỗ lực tiếp tục viết thêm những trang mới, tạo dấu ấn, mốc son mới để Công ty cùng EVN tỏa sáng, thực hiện trọn vẹn sứ mệnh “Thắp sáng niềm tin”./.
PV TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM