EVN tính toán, xây dựng khung giá phát điện cho nguồn năng lượng gió, mặt trời Leave a comment

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có văn bản yêu cầu Công ty Mua bán điện (EPTC) tính toán, xây dựng khung giá phát điện của nhà máy điện gió, điện mặt trời theo phương pháp xây dựng khung giá phát điện của Bộ Công Thương.

Trước đó, EVN nhận được văn bản số 7695/BCT-ĐTĐL, ngày 2/11/2023 của Bộ Công Thương về việc xây dựng khung giá phát điện áp dụng cho các loại hình nhà máy điện.

Thực hiện chỉ đạo này, ngày 9/11/2023, EVN đã yêu cầu EPTC tính toán, xây dựng khung giá phát điện (có thể thuê tư vấn nếu cần thiết) của nhà máy điện mặt trời (điện mặt trời mặt đất, điện mặt trời nổi), điện gió (điện gió trong đất liền, điện gió trên biển và điện gió ngoài khơi) theo đúng Thông tư số 19/2023/TT-BCT ngày 1/11/2023 của Bộ Công Thương quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện gió, mặt trời.

Như chúng ta đều biết, trước khi ban hành Thông tư số 19 nêu trên, Bộ Công Thương đã lấy ý kiến công khai trên Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ và một số trang thông tin điện tử chính thống về nội dung này.

Theo đó, về nguyên tắc xây dựng giá cho các nhà máy điện gió, mặt trời là dải giá trị từ giá trị tối thiểu (0 đồng/kWh) đến giá trị tối đa được xây dựng và ban hành hàng năm. Giá phát điện của nhà máy điện gió, mặt trời chuẩn được tính bằng giá cố định bình quân + với giá vận hành bảo dưỡng cố định.

Về phương pháp, công thức tính giá dựa trên các thông số liên quan (chi phí đầu tư, vận hành, bảo dưỡng cố định, lãi suất, giao nhận điện…).

Còn về phương pháp xây dựng khung giá phát điện (tương tự như phương pháp xây dựng khung giá áp dụng cho các dự án chuyển tiếp quy định tại Thông tư số 15/2022/TT-BCT), chỉ khác về lựa chọn thông số đầu vào để tính toán khung giá. Cụ thể như sau:

Thứ nhất: Các thông số công suất lắp đặt, đời sống kinh tế dự án, thời gian trả nợ, tỷ lệ vốn chủ sở hữu/vốn vay, tỷ suất lợi nhuận, hệ số phân bố chuẩn tương ứng với điện năng kỳ vọng đối với điện gió được quy định tương tự như quy định tại Thông tư số 15/2022/TT-BCT.

Thứ hai: Các thông số suất đầu tư, tỷ lệ vốn vay ngoại tệ, tỷ lệ chi phí vận, hành bảo dưỡng (O&M) và thông số tính toán sản lượng điện bình quân nhiều năm nhà máy điện gió, mặt trời chuẩn được lựa chọn trên cơ sở tham khảo số liệu của các tổ chức tư vấn để đảm bảo tính phổ quát, cập nhật được số liệu trên thế giới, thay vì sử dụng số liệu quá khứ của các nhà máy điện.

Thứ ba: Lãi suất vốn vay nội tệ và lãi suất vốn vay ngoại tệ được xác định theo số liệu thống kê của các tổ chức tín dụng.

Còn về trình tự xây dựng và ban hành khung giá phát điện: Trước ngày 1 tháng 11 hàng năm, EVN có trách nhiệm tính toán, hoặc có thể thuê tư vấn lựa chọn bộ thông số nhà máy điện gió, mặt trời chuẩn và tính toán giá phát điện của nhà máy điện gió, mặt trời chuẩn theo quy định.

Việc đề xuất lựa chọn các thông số cho nhà máy điện gió, mặt trời chuẩn để tính toán khung giá phát điện và lập hồ sơ tính toán khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời (mặt đất, điện mặt trời nổi) và nhà máy điện gió (trong đất liền, trên biển, ngoài khơi) theo quy định tại Điều 11 Thông tư này trình Bộ Công Thương phê duyệt.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc (kể từ ngày nhận được hồ sơ tính toán khung giá phát điện nêu tại Điểm b Khoản 2 Điều này), Cục Điều tiết Điện lực có trách nhiệm kiểm tra chi tiết nội dung hồ sơ, tính đầy đủ và hợp lệ của hồ sơ trình duyệt.

Trường hợp cần thiết, Cục Điều tiết Điện lực có văn bản yêu cầu EVN sửa đổi, bổ sung, hoặc giải trình làm rõ các nội dung trong hồ sơ. Nhưng chậm nhất 15 ngày làm việc (kể từ ngày nhận được yêu cầu sửa đổi, bổ sung, hoặc giải trình làm rõ các nội dung trong hồ sơ của Cục Điều tiết Điện lực), EVN có trách nhiệm gửi văn bản báo cáo giải trình về nội dung trong hồ sơ theo yêu cầu.

Trường hợp nhận được hồ sơ hợp lệ và báo cáo giải trình làm rõ các nội dung trong hồ sơ của EVN, trong thời hạn 20 ngày làm việc (kể từ ngày nhận được hồ sơ), Cục Điều tiết Điện lực có trách nhiệm tổ chức thẩm định khung giá phát điện do EVN trình.

Trong trường hợp cần thiết, Cục Điều tiết Điện lực tổ chức lấy ý kiến đối với khung giá phát điện thông qua Hội đồng Tư vấn do Bộ Công Thương quyết định thành lập.

Chậm nhất 15 ngày làm việc (kể từ ngày tổ chức thẩm định khung giá phát điện), Cục Điều tiết Điện lực có trách nhiệm trình Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt khung giá phát điện cho loại hình nhà máy điện mặt trời (mặt đất, điện mặt trời nổi) và nhà máy điện gió (trong đất liền, trên biển, ngoài khơi) cho năm tiếp theo và công bố trên trang thông tin điện tử của Cục Điều tiết Điện lực.

Trong trường hợp khung giá phát điện của năm tiếp theo chưa được công bố, cho phép tạm thời áp dụng khung giá phát điện có hiệu lực gần nhất./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *